Cuộc đời Aristoteles

Aristoteles, cái tên có nghĩa là "mục đích tốt nhất",[4] được sinh tại Stagira thuộc Vương quốc Macedonia cách thành Athens 200 dặm về phía bắc, tức là ở phía đông Thessaloniki ngày nay, vào năm 384 TCN.[5] Cha của ông là bác sĩ riêng, bạn thân của quốc vương Macedonia Amyntas III (ông nội của Alexandros Đại đế).[6] Từ nhỏ Aristoteles sống với cha mẹ và được cha dạy cho về y khoa. Năm 17 tuổi, Aristoteles đến thành Athena và theo học nghề thầy thuốc.

Aristoteles đến Athens từ lúc 18 tuổi và trở thành học viên trong Học viện Platon. Ông học ở đó khoảng 20 năm trước khi rời Athens vào 348/47 TCN. Người ta thường kể lại, ông rời bỏ Athens vì thất vọng là học viện đã được giao cho cháu của Platon Speusippus lãnh đạo, mặc dù cũng có thể là vì khuynh hướng chống lại người Macedonia đang nổi dậy, cho nên ông đã bỏ đi trước khi Platon mất.[7]

Người ta có thể tưởng tượng rằng thời kỳ sống với Platon là một thời kì lý tưởng trong cuộc đời Aristoteles. Một môn đệ thông minh xuất chúng được ở gần một giáo sư toàn năng. Sự thật thì mối liên quan giữa hai thầy trò không phải luôn luôn tốt đẹp. Platon lớn hơn Aristoteles gần 43 tuổi, chỉ sự cách biệt ấy cũng không làm dễ dàng sự thông cảm. Platon công nhận rằng Aristoteles là một môn đệ thông minh xuất chúng, hiếu học vì Aristoteles là một trong những người đầu tiên trong lịch sử nhân loại biết sưu tầm những tài liệu viết tay thời bấy giờ để lập thành một thư viện. Nhà của Aristoteles được Platon gọi là nhà đọc sách, nhiều người cho đó là một lời khen, nhưng cũng có người cho đó là một lời chê có ý ám chỉ đến tinh thần quá chú trọng vào sách vở của Aristoteles.

Một sự bất hoà khác quan trọng hơn xảy ra vào cuối đời Platon. Aristoteles có vẻ chống lại tư tưởng của Platon và nhiều khi không đồng ý với Platon. Thái độ này làm Platon rất bất bình coi Aristoteles như một đứa con vô ơn. Một vài học giả cho rằng Aristotetes lập một trường hùng biện. Trong số các môn sinh có Hermias sau này thành người cầm quyền tiểu quốc Atarneus. Để tỏ lòng nhớ ơn thầy cũ, Hermias mời Aristoteles về sống tại triều đình vào năm 344 TCN, Hermias giới thiệu người chị (là Pythias) của mình làm vợ Aristoteles. Cuộc hôn nhân là một sự thành công mĩ mãn.

Sau đó một năm (343 TCN), quốc vương Macedonia là Philippos II mời Aristoteles về triều đình để dạy cho thái tử Alexandros.[8] Đó là một vinh dự rất lớn cho Aristoteles, vì Philip II cũng như Alexandros là những vị vua danh tiếng và hùng mạnh nhất trong lịch sử nhân loại. Philip II chinh phục Thrace năm 356 TCN để chiếm những mỏ vàng vô cùng phong phú gấp 10 lần số vàng của Athena. Thần dân của Philip là những nông dân khoẻ mạnh, những chiến sĩ dũng cảm biết chịu đựng gian khổ. Nhờ những yếu tố ấy Philip II và Alexandros đã thôn tính hàng trăm tiểu quốc và thực hiện được sự thống nhất Hy Lạp. Philippos II không ưa chủ nghĩa cá nhân đương thời mặc dù chủ nghĩa này có kết quả tốt đẹp đối với nghệ thuật và đời sống tinh thần của dân Hy Lạp. Philippos II cho rằng chủ nghĩa cá nhân là nguồn gốc của sự đồi truỵ kinh tế cũng như chính trị. Chính dựa vào chủ nghĩa này mà những kẻ lưu manh chính trị có thể lơi dụng sự tin tưởng quá dễ dãi của dân chúng để mặc tình thao túng chính trường gây nên bè phái, giai cấp, âm mưu chống đối nhau. Philippos II quyết chấm dứt tình trạng trên để thực hiện một nước Hy Lạp thống nhất và hùng mạnh xứng đáng là trung tâm chính trị của thế giới thời bấy giờ. Trong thời niên thiếu Philippos II đã học quân sự tại Thebes (Hy Lạp). Năm 338 TCN ông chiến thắng tại Athena và thực hiện được sự thống nhất của nước Hy Lạp. Ông mong mỏi sẽ cùng người con là Alexandros tiếp tục cuộc chinh phục thế giới nhưng giấc mộng của ông bị tan vỡ vì ông bị ám sát.[9]

Khi Aristoteles đến nhận việc thì Alexandros là một cậu bé 13 tuổi bồng bột và ốm yếu, ưa cưỡi ngựa và tập ngựa. Những cố gắng của Aristoteles để làm dịu sự bồng bột của Alexandros hình như không đem lại nhiều kết quả. Theo một vài sử gia Alexandros coi Aristoteles như cha ruột của mình và về phần Alexandros cũng đã từng tuyên bố muốn học hỏi và coi trọng sự hiểu biết hơn là chinh phục thế giới. Nhưng đó chỉ là những lời lẽ xã giao vì không đúng với sự thật. Alexandros luôn luôn là một chiến sĩ thích chinh phục, sau khi thọ giáo 2 năm với Aristoteles, Alexandros nối ngôi cha và bắt đầu chinh phục thế giới. Sự thành công của Alexandros có lẽ một phần nào do ảnh hưởng của Aristoteles và người ta thường so sánh thiên tài của Aristoteles trong lãnh vực triết lý với thiên tài của Alexandros trong lãnh vực chính trị. Cả hai vĩ nhân này đều có công với nhân loại: một bên thống nhất thế giới, một bên thống nhất triết lý.[10]

Sau khi cất quân chinh phục châu Á, Alexandros để lại ở Hy Lạp những chính phủ trung thành với ông nhưng không được dân chúng ủng hộ. Truyền thống dân chủ của người Hy Lạp không thể một sớm một chiều bị lu mờ trước sức mạnh của đội quân Alexandros. Tại những chính phủ này, những đảng lên cầm quyền được mệnh danh là đảng Macedonia hay là đảng thân Alexandros. Năm 334 TCN, Aristoteles trở về Athena sau một cuộc du hành và lẽ cố nhiên không dấu cảm tình đối với đảng Macedonia tại đó.[11] Công trình khảo cứu khoa học, triết lý, chính trị của Athena tuy rất bao la nhưng không phải là hoàn toàn theo đuổi trong sự yên tĩnh. Nhiều biến cố chính trị luôn luôn đe doạ Aristoteles và nhóm cộng sự viên, công trình này hoàn toàn tuỳ thuộc vào sự thành công của Alexandros trên lãnh vực chính trị. Những nhận xét trên đây còn cho phép chúng ta hiểu rõ tư tưởng chính trị của Aristoteles.[12]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Aristoteles //nla.gov.au/anbd.aut-an36246937 http://www.amazon.com/dp/0070461929/ http://www.ancientlibrary.com/smith-bio/2421.html http://www.behindthename.com/name/aristotle http://www.britannica.com/EBchecked/topic/34560/Ar... http://books.google.com/books?id=8EG0yV0cGoEC&pg=P... http://aleph.nkp.cz/F/?func=find-c&local_base=aut&... //www.getty.edu/vow/ULANFullDisplay?find=&role=&na... http://plato.stanford.edu/entries/aristotelianism-... http://www.iep.utm.edu/aris-mot/